Header ads

Header ads
» » Thành phố Chợ

Xêm thêm:

Chợ! Tôi nghe nhiều người nói vui: "Chỉ cần năm bảy chị em ngồi “tám” với nhau mà có thêm một…..con vịt thì đó là cái chợ”!? Hình như người ta hiểu nôm na chợ là thế! Chợ còn là nơi có nhiều bất quy tắc chung và những thói quen để hình thành nên đời sống chợ, rồi điều ấy ngấm dần vào suy nghĩ của mỗi chúng ta, khiến cho bất cứ ai cũng có thói quen cửa miệng, ví dụ như ở chợ luôn có sự mặc cả của người mua và nói thách của người bán.

Sự sấm uất của những chợ lớn, những siêu thị khổng lồ ở các thành phố hay chợ nhỏ ở làng, ở xã, tất cả đều là sự biểu hiện chính xác nhất của đời sống kinh tế và một phần của đời sống văn hóa. Nói một phần vậy có thể là nhỏ hoặc không nhỏ, nhiều khi hàng ngày nhìn thấy nhiều cái chợ trong cuộc sống mà ta lại ít suy nghĩ, chợ là một..... "vấn đề" không thể không có trong đời sống chúng ta. Vậy nên dù có là siêu thị hay đại thương xá đối với tôi tất cả vẫn là cái chợ

Chợ là Viện bảo tàng. Chợ là Viện Hàn lâm!

Có một nhà văn Pháp đã nói rằng: "Tôi yêu chợ. Chợ là Viện bảo tàng. Chợ là Viện Hàn lâm!”. Thiết nghĩ nếu ai đi tìm hiểu về những “Viện bảo tàng” hay “Viện Hàn lâm” này, tất nhiên sẽ có biết bao thú vị và điều bổ ích. Khái niệm về chợ bắt nguồn từ tiếng La tinh (Mercatus), đó là nơi buôn bán trong một không gian có hàng ngang, lối dọc, có người qua kẻ lại mua bán, trao đổi hàng hóa...vân vân và vân vân...

Đối với đất nước Việt Nam chúng ta, trải qua bao nhiêu năm chiến tranh và bị ngoại bang đô hộ. Nếu người Pháp đã mang đến cho chúng ta một sự ảnh hưởng của văn hóa phố, thì người Nhật và người Trung Hoa lại mang đến ít nhiều về văn hóa chợ. Và với riêng người Việt, ở mọi miền đất nước đều coi chợ là nơi tinh túy nhất của mọi điều. Ở đâu đâu từ vùng xuôi cho đến vùng ngược, chợ luôn tô điểm cho không gian sống của người dân nơi ấy, chợ góp phần làm sinh động cho một “văn hóa sống”, một “tổ ấm đám đông nhân bản”. Dẫu có nhìn chợ là một bức tranh hơi lộn xộn, có khi nhếch nhác, nhưng chợ vẫn luôn luôn mang một bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền…

Và trong bài viết này tôi muốn nói vài điều về những cái chợ tại thành phố Hồ Chí Minh, bởi mảnh đất này tôi hay gọi đây là …. "Thành phố chợ!”. Sài Gòn một thành phố mang nhiều màu sắc nhất Việt Nam, nơi có chợ nhiều nhất, đa dạng nhất, sinh động nhất v.v.v. Và tôi nghĩ thành phố Hồ Chí Minh hay thành phố Sài Gòn nay đã phát triển và phồn vinh cũng nhờ….. những cái chợ ấy đó sao!

Thành Phố Hồ Chí Minh có 179 chợ lớn nhỏ, trong đó có 93 chợ lớn, nội thành có 145 chợ, ngoại thành có 34 chợ. Nếu kể cả những cái chợ tự phát, chợ lề đường, chợ “chồm hổm”, “chợ chạy” (Đó là những chợ chuyên kinh doanh các món đồ secondhand họp bên vỉa hè, góc đường... Ở đây, người mua bán toàn là đàn ông và tất họ đều trong tư thế... chạy) ở những các khu công nghiệp, thì đây là con số chưa chính xác mà phải ước chừng là vài trăm cái). Thành phồ có 44 ngôi chợ lớn được nhiều người biết tên, mỗi chợ có trên dưới 1000 hộ buốn bán với gần 20000 lượt người đi chợ mỗi ngày như chợ Bến Thành (Quận 1), chợ Vườn Chuối, chợ Nguyễn Văn Trổi (Quận 3), chợ Xóm chiếu (Quận 4), chợ An Đông, chợ Kim Biên, chợ Quang Minh (Quận 5), chợ Bình Tây (Quận 6), chợ Tân Bình, chợ Phạm Văn Hai ( Quận Tân Bình), chợ Phú Nhuận (Quận Phú Nhuận), chợ Gò Vấp, chợ Hạnh Thông Tây ( Quận Gò Vấp), chợ Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh), chợ Dakao (Quận 1) v.v.v Một số chợ Huyện cũng khá vi mô về diện tích lẫn kinh doanh có thể kể như chợ Bình Chánh, chợ Hóc Môn, chợ Củ Chi, chợ Thủ Đức, chợ Đầu mối ( Thủ Đức)

Nói về sinh hoạt thì phần lờn các chợ đều như nhau, hoạt động chợ búa cũng gần như một thói quen “sáng tinh mơ bắt đầu họp chợ" để rồi tan dần cho đến xế chiều. Có loại chợ khách hàng đầu mối phần đông như An Đông, Bình Tây, Tân Bình là trung tâm mua bán hàng sỉ lớn nhất nước, bạn hàng là những người buôn bán ở các chợ khác trong cũng như ngoài thành phố. Mỗi chợ có một thế mạnh riêng. Như trước đây chợ Cầu Ông Lãnh (còn gọi là chợ Cầu Muối), và sau này có thêm chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là những chợ chuyên bán sỉ trái cây Miền Nam hay cả trái cây Trung Quốc, Mỹ v.v.v . Chủ bán ở các chợ này là những chủ chành, vựa, sạp không ai bán lẻ.

Còn chợ Soái Kình Lâm chuyên bán sĩ các loại vải vóc, hàng nơi đây tuông đi cả nước được tính bằng nhiều cách như cân ký hay tính cây. Chợ Học Lạc chuyên cung cấp từ A đến Z nguyên liệu thuốc lá hay thành phẩm. Những công ty sản xuất thuốc lá lớn như Dona, Bến Tre, hay Sài Gòn cần nguyên liệu cũng phải đến đây mới có. Ở chợ Học Lạc người ta có thể thấy “kính thưa các loại thuốc lá” từ những điếu xì gà Cu Ba đến những điếu xì gà “hợp chủng quốc” không ai mua mà có thể mặc cả vì giá rất ….”thơm”!.

Chợ Trần Chánh Chiếu ( Quận 5) một chợ của người Hoa được mệnh danh là “nhiệt kế giá gạo” có từ thời người Hoa đến đây bá chủ. Đã có thời như trước năm 75, giá gạo ở miền Nam “nhảy múa” như phim, rồi phải nhờ đến tướng Nguyễn Cao Kỳ ra tay lệnh dọa: "Nếu giá gạo không xuống, nơi đây chợ Trần Chánh Chiếu sẽ trở thành bình địa!”, đến lúc ấy thì dân trong nước mới yên. Rồi còn thời nay, lâu lâu giới thương lái người Hoa ở chợ này cũng “làm” cho một “phát!” buộc báo chí phải loan tin “Mọi người dân hãy nên bình tĩnh!” như hồi tháng 4 năm 2008. Lúc đó giá gạo đang ở mức 6, 7 ngàn đồng một ký, người dân Sài Gòn lại "Bỗng dưng muốn khóc" cho giá gạo hàng ngày, hàng giờ cứ phá mức vọt lên. Để đến khi giá gạo 14, 15 ngàn đồng một ký trong vài ngày như “hốt bạc” xong xuôi, “bộ não” Trần Chánh Chiếu mới cho hạ nhiệt. 

Chợ Điện tử Huỳnh Thúc Kháng (Quận 1), Chợ Nguyễn Kim (Quận 10) có đầy đủ các mặt hàng điện tử, có thể như hàng mới xuất xưởng ở Mỹ hôm qua, tức thì hôm nay chợ này đã có. Còn nữa hàng điện tử secondhand thiên hình vạn trạng hàng ngày cập cảng Nhà bè, Tân Cảng hay cảng Sài Gòn cũng chỉ chạy về những nơi đây, rồi mới “trôi” đi trăm phương ngàn hướng. Nói vậy chứ 2 chợ này cũng có ran rản hàng của những tay “Bác sĩ” (Chích xì ke) hay “chà đồ nhôm”, và của những nhà “Manchester học” (Cá độ đá banh) chôm chỉa mang đến đây mua bán ì xèo 

Còn chợ xe gắn máy dọc hai bên phố đường Lý Tự Trọng (Quận 1) là chợ chuyên bán vô số loại xe máy, xe tay ga, nhất là hàng độc và hàng ở …”bển”. Ở Sài Gòn còn có những chợ sinh hoạt khác thường hơn như chợ Đêm Bến Thành chỉ dành cho ẩm thực, chỉ có ăn mà không có ….nhậu (Đây là chiếc nôi mô hình này và nay được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành), giống như khu La Cai trên đường Nguyễn Tri Phương được người Hoa gọi là “Quầy xực cái” (chợ ăn). Còn chợ Đêm Hạnh Thông Tây (Quận Gò Vấp) là chợ chuyên buôn bán hàng xa xỉ của chị em thật là đầy đủ với giá cả cạnh tranh nên người ta đi nườm nượp. Chợ cầu Ông Lãnh xưa kia chỉ nhộn nhịp từ chập tối nhưng chợ cá Xóm Củi (Quận 8), chợ rau Mai Xuân Thưởng (Quận 6) lại bắt đầu hoạt động từ nữa đêm về sáng. 

Ở thành phố Hồ Chí Minh còn một loại chợ chỉ nhộn nhịp vào lúc 3, 4 giờ chiều cho đến tối, và “chợ nhà giàu” như chợ Cũ (Quận 1) với giá cả bao giờ cũng cao hơn nơi khác bởi đây toàn là …..”Hàng tuyển” và “Hàng xách tay”, Hoặc như chợ đồ cổ Lê Công Kiều hoạt động bất kể ngày đêm, giờ giấc nhưng không ồn ào, xô bồ, không có cả những tiếng ì xèo theo kiểu chợ búa hàng ngày thường thấy. Đến đây mua hay bán đều như được nghe và học những bài lịch sử chưa từng biết của những người buôn bán nơi đây. Mỗi món đồ đưa ra bán đều được chủ nhân ( có khi là con nít) luôn thuyết trình về giá trị lịch sử cũng như nguồn gốc. Bất cứ thắc mắc nào của khách cũng được tận tình giải đáp hơn cả Đài 1080… 

Sài Gòn còn có “chợ Saigonvechai”, người ta chỉ thường nghe "kiểu Mỹ", "kiểu Tàu" mà nay lại nghe Sài Gòn có cái tên thật lạ “chợ Saigonvechai” theo "kiểu Saigon". Đó là nơi mà người ta cũng gọi là chợ, nó chỉ nằm trong hẻm nhỏ dưới chân cầu Băng Ky ( Nơ Trang Long- Bình Thạnh). Chợ đặc biệt này chỉ có một phiên trong ngày cuối tuần dành cho những người đam mê thú vui hàng “độc”. Gọi là chợ “Sài Gòn ve chai”, nhưng những ai đã một lần đến với phiên chợ này đều “lác mắt” vì “hàng” ở đây đều thuộc vào “top”, và khó kiếm cả khó mua bằng đồng VND. Như một chiếc hộp quẹt zippo chỉ nhỉnh hơn bao diêm có giá ban đầu….. chưa “hét” cũng phải hàng trăm USD, những chiếc xe máy hiệu Mobylette, Lambretta, Vespa, ... được sản xuất từ những năm 40-60 của thế kỉ trước đáng giá hàng ngàn USD, hay những chiếc máy ảnh, máy hát, đồng hồ, vật dụng tưởng chừng là... đồ bỏ, đồ vứt đi lại khiến không ít người mê mẩn. Như chiếc đồng hồ Uply thập niên 1950 - 1960 được chào giá 12 triệu đồng hay con Omega mạ vàng giá 300 - 400 USD một cái, xe mô tô cổ sản xuất trước năm 1900 giá rất “mềm và thơm” chỉ có 6.000 USD... Khu chợ này còn có những loại chủ nhân của những món hàng chỉ “đem đến lại mang về”, chủ yếu để... “khoe” hay để biết “giá trị của giá trị” chứ không bao giờ bán, dù được ai đó trả giá rất cao.

Còn có chợ dành cho một bộ phận cư dân mải mê vật lộn với cuộc mưu sinh như chợ Cầu Muối (Quận 1), chợ Xã Tây ( Quận 5), chợ Nhị Thiên Đường (Quận 8). Chợ Nguyễn Thông (Quận 3) là chợ có thật nhiều gian hàng rượu bia ngoại ngoại nhập, hay như sữa, đường, đồ hộp cùng một nhãn hiệu nhưng được đóng mác đủ các nước Á- Âu

Nói về chợ ở thành phố Hồ Chí Minh, phải nói rằng Quận 1 là nơi có nhiều chợ lớn lại san sát với nhau. Nếu tính số lượng chợ thì Quận 1 được xếp thứ 2 chỉ sau Quân 5 có 11 chợ, nhưng chợ ở Quận 1 mỗi chợ là mỗi “thế” : chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình, chợ Cầu Kho, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Huỳnh Thúc Kháng, chợ Cũ, chợ Lê Công Kiều (Buôn bán đồ cổ), chợ Dakao, chợ Tân Định, chợ cửa khẩu Mộc Bài nằm trên đường Phạm Ngũ Lão v.v.v Trong số này có một ngôi chợ nổi tiếng nhất trong và ngoài nước và là “Biểu tượng” của Thành phố Hồ Chí Minh đó là chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành có từ trước khi Thực dân Pháp xâm lược Sài Gòn. Thuở ấy ngôi chợ này được xây dựng nằm ở bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn xưa nên mang tên ghép là Bến Thành. Năm 1859, thực dân Pháp do tướng De Genouilly dẫn đầu chiếm Sài Gòn và giao tranh với quân của Vương triều nhà Nguyễn, do Hộ đốc Võ Duy Ninh chỉ huy nên đã thiêu hủy đi khu chợ. Mãi đến năm 1913 người ta mới bắt đầu xây cất lại chợ Bến Thành mới và hoàn thành năm 1914 có vóc dáng như hiện nay. Nghe nói lể khánh thành chợ Bến Thành được tổ chức thật là hoành tráng vào ngày 28-3-1914 và được giới báo chí thời ấy loan tin là “ Tân Vương Hội”. Ngôi chợ này chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của nước nhà nói chung và Sài Gòn nói riêng. Đến năm 1985 , chợ Bến Thành được tu bổ lại khang trang. 

Tóm lại chợ là nơi tập trung lý tưởng của những nhu cầu rất khác nhau của vô số cá thể trong một cộng đồng mà ở đấy có sự lộn xộn như là bản sắc, bởi nếu không có điều này như thể thiếu điều gì đó. Hoặc nếu nơi đây không có những khái niệm lớn dần lên như : đẩy giá gốc, hàng giả, hàng nhái ….thì đâu có phải là cái chợ (!?). Ở thành phố chợ là nơi mà người ta có thề mưu sinh, trờ thành một giá trị tồn tại dai dẳng trong phong tục tập quán “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, tứ cận điền”. Đối với làng quê, chợ là nơi sinh hoạt điển hình nhất cùa mọi người dân với vô số hình thức mua bán như “bưng thúng bán bưng” có khi ở địa điểm tùy thích của người dân hoặc ở chổ “buôn có bạn, bán có phường”.

Nghĩ lại câu nói : “Tôi yêu chợ. Chợ là Viện bảo tàng. Chợ là Viện Hàn lâm!” là câu nói quá hay và thâm thúy!

Andi Nguyễn Ánh Nhật

About NgTruc

Nhà đẹp blog
Nhà Đẹp Blog - trang thông tin thị trường, các sản phẩm bất động sản nổi bật từ những chủ đầu tư uy tín: Him Lam Land, Hưng Ngân, An Gia, BCCI... các dự án: Đất nền Việt Phú Garden, căn hộ Hưng Ngân Garden, Căn hộ Full House Bình Tân
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply